Tiếp tục với
Trung thu ngày xưa ơi!
0 0 0 0 3 1
Trung thu ngày xưa ơi! - Hoàng Thị Thêm 40 Tản văn - hết
hoangthem

Tản văn Trung thu ngày xưa ơi! “Trung thu tháng tám khoảng trời xanh Mây vắng đêm rằm gió mát lành Lũ trẻ vui đùa chơi thỏa thích Đèn sao tỏa sáng mắt long lanh.” Tuổi thơ luôn là những ký ức đẹp, đẹp như là một bộ phim dài tập, mỗi kỷ niệm như một tập phim được lưu niệm trong một góc của tâm hồn. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, cuộc sống người dân sống quanh năm chủ yếu gắn bó với ruộng vườn nhưng luôn luôn ấm áp tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Mỗi năm, cứ vào độ tháng 8 âm lịch là những đứa trẻ ngây thơ như quê tôi lại nhốn nháo, háo hức, chờ đợi từng ngày và chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho Trung thu sắp tới. Với người lớn thì chỉ có một ngày Tết Trung thu, còn tuổi thơ chúng tôi, Trung thu là cả một mùa dài. Quê nghèo nên mỗi dịp Trung thu về chúng tôi có khi nào được ba mẹ mua cho chiếc lồng đèn, đầu lân... nó chỉ là những món quà xa xỉ, là ước mơ mà chúng tôi tự cùng nhau thực hiện: Mùa vui Trung thu này thường bắt đầu vào khoảng cuối dịp nghỉ hè. Từ khoảng tháng sáu âm lịch, tranh thủ lúc chăn trâu, bò, chúng tôi phân công một nhóm đi bắt cá đồng đem bán, những đứa có gia đình khá giả hơn thì tiết kiệm tiền ăn sáng, tiền quà vặt, số khác xin cha mẹ gom góp chai lọ, dép đứt, nồi chậu hỏng để bán đồng nát gây quỹ - quỹ này dành để tổ chức một đội lân. Đến đầu tháng bảy âm lịch, chúng tôi bắt đầu công việc làm đầu lân. Việc làm khung sườn và dán giấy để tạo hình một đầu lân rất đơn giản. Chỉ cần từ ba đến năm buổi trưa là xong. Nhờ thế mà không khí đêm Trung thu ở miền quê nghèo vùng Đồng bằng sông Hồng thập niên 90 của tôi ngày đó rất thú vị, ai ai cũng náo nức, hớn hở khi cầm trên tay những sản phẩm trung thu do tự tay mình làm ra. Khoảng cuối tháng bảy, chúng tôi bắt đầu tập luyện đội múa lân. Những ai mạnh khoẻ thì đảm nhiệm phần đầu lân, ai linh hoạt, nhanh nhẹn sẽ làm Tề thiên đại thánh, Trư Bát giới thì dành cho đứa “tròn” nhất trong đám. Khó nhất là chọn người làm ông Địa. Ông Địa phải là đứa có tố chất đặc biệt: dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển. Đôi tay ông địa phải mềm mại để cầm quạt phe phẩy; giọng nói to, rõ nhưng phải ấm áp; điệu bộ phải từ tốn, kiên trì để “nịnh” gia chủ. Tối 13 tháng 8 âm lịch là ngày hội múa lân của đám trẻ chúng tôi bắt đầu và sẽ kết thúc vào khuya ngày rằm. Sau bao ngày lo toan, chuẩn bị, thời khắc quan trọng mà tụi tôi chờ đợi đã đến. Đêm Trung thu ngọt ngào đã về làm cho tụi con nít như chúng tôi vui mừng không thể tả được. Chúng tôi cứ reo hò và chạy khắp xóm, đến nhà đứa này kêu réo, đến nhà đứa nọ rủ ghê tập hợp lại để chuẩn bị rước đèn, múa lân.... Giây phút bình yên, hạnh phúc và ngọt ngào ấy hiện lên trên khuôn mặt ngây thơ của biết bao đứa trẻ chúng tôi độ nào. Kí ức tuổi thơ thì ai cũng có, dù nó có đau thương và đắng cay đến mấy chúng ta cũng không thể nào quên được. Theo thời gian, chúng tôi lớn lên, mỗi người một nơi, ai cũng chăm lo cho cuộc sống của mái ấm gia đình mình. Những kỷ niệm ấu thơ vẫn hằng in trong ký ức. Một mùa Trung thu nữa sắp về là một lần nữa tôi xa hơn với kỉ niệm.

Thẻ: Hoàng Thêm

Bìa gốc bởi Hoàng Thị Thêm