4.0.0
07:16:16 21/11/2024
Như thường lệ, tầm tám giờ sáng là ông Tư – chủ quán mì vịt tiềm ở đầu hẻm sẽ treo một tấm biển ngay trước cửa ra vào với nội dung như sau: Quán có phục vụ nước, vui lòng không gọi nước phía đối diện. Phía đối diện là quán trà sữa nhà làm của cô Sáu. Xa hơn nữa, cách đầu hẻm vài trăm mét là một trường học. Học sinh sau khi tan tầm thì thích la cà quán xá. Quán cô Sáu dĩ nhiên nằm trong danh sách những chỗ ngon mà rẻ, theo như trên Foody đánh giá. Bởi vậy, trưa nào hoặc chiều nào, quán cũng đông như kiến. Nói đến đây thì chắc mọi người cũng biết lý do tại sao ông Tư treo biển như thế kia. Thật ra nếu tính theo tuổi đời lập nghiệp thì quán trà sữa tồn tại ở đây ngót nghét mười năm, quán mì vịt tiềm tám năm. Ban đầu tình làng xóm giữa hai ông bà chủ khá tốt, thậm chí cô Sáu còn bắc cầu cho khách quen bên mình vừa uống trà sữa, vừa ăn mì để hai bên cùng phát triển. Rồi vào một ngày đẹp trời (hoặc không), ông Tư tự dưng thêm vào thực đơn quán mình vài ba thứ nước khiến lượng khách bên đối diện vơi dần. Cô Sáu cảm thấy mình làm ơn mắc oán, cũng học theo ông chủ quán nào đó, thêm vào thực đơn mấy món ăn nhẹ. Thấy vậy, ông Tư in hẳn một tấm biển A4 với nội dung như đầu truyện tác giả đã viết, treo ngay trước cửa quán vào mỗi tám giờ sáng. Thật ra ông có thể dán luôn ở đấy cho tiện, nhưng vì sợ tấm biển sẽ bị ai đó xé mất nên đành chọn phương án rườm rà. Ngày hôm ấy trở thành một sự kiện lịch sử của con hẻm. Chiến tranh lạnh nổ ra, căng thẳng không kém gì Mỹ và Liên Xô năm 1947.